HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC THỪA NHẬN?

0
Rate this post

Kết hôn đồng giới là chủ đề được quan tâm khá nhiều trong những năm gần đây. Trên thế giới hiện nay đã có một số nước đồng ý chấp nhận kết hôn đồng giới. Vậy tại Việt Nam luật hôn nhân đã chấp thuận hôn nhân đồng giới chưa? Kết hôn giữa những người đồng giới có còn bị nghiêm cấm không? 

1. Hôn nhân đồng giới là gì?

Hôn nhân đồng giới là việc kết hôn và chung sống giữa hai người có cùng giới tính về mặt sinh học. Đó có thể là giữa hai người đều là nam giới hoặc cùng là nữ giới. Cuộc hôn nhân giữa hai người đồng giới là xuất phát từ tình yêu đồng giới. Họ tìm thấy ở nhau những sự đồng cảm, chia sẻ và mong ước được chung sống với nhau như những người bình thường. 

2. Hôn nhân đồng giới ở Việt Nam có được công nhận hay không?

Theo Khoản 2 Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.” Như vậy, hiện nay theo quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Cuộc hôn nhân cùng giới sẽ không được pháp luật công nhận và không được bảo hộ bởi luật pháp. 

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 5 của Luật hôn nhân và gia đình 2014:

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Nếu theo Luật hôn nhân và gia đình 2000, việc kết hôn giữa những người đồng giới bị cấm. Thì đến thời điểm hiện tại, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã bãi bỏ điều cấm này. 

Vậy hiện nay, hôn nhân đồng tính không còn bị pháp luật ngăn cấm. Người đồng giới có thể tổ chức hôn lễ, kết hôn và chung sống với nhau. Nhưng họ không được pháp luật thừa nhận và xác lập quan hệ như vợ chồng. Họ không thể đăng ký kết hôn với cơ quan nhà nước. Cuộc hôn nhân của họ cũng sẽ không có thẩm quyền, nghĩa vụ và không được luật pháp xử lý khi giữa họ có tranh chấp xảy ra. Và quan hệ tài sản giữa họ trong thời kỳ hôn nhân cũng không được pháp luật bảo vệ.

3. Việt Nam có chấp thuận chuyển giới hay không?

Thống kê của Bộ Y Tế, số lượng về nhu cầu chuyển đổi giới tính của Việt Nam trong khoảng 250.000 đến 300.000 người. Đây là một con số lớn phản ánh thực trạng xã hội hiện nay. Và bên cạnh đó, xã hội cũng đã có cái nhìn khác về đồng giới. 

Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015nghị định số 88/2008/NĐ-CP ban hành ngày 05/08/2008 về quyền xác định lại giới tính:

“Điều 36: Quyền xác định lại giới tính

1. Cá nhân có quyền xác định lại giới tính.

Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính.

2. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.”

Luật pháp cho phép việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã chuyển giới được quyền đăng ký lại giới tính thật của mình. Họ có quyền và nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định pháp luật.  

4. Người chuyển giới có được thực hiện hôn nhân đồng giới hay không?

Cá nhân sau khi chuyển giới phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Khi đó người chuyển giới sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền đó chính là quyền đăng ký kết hôn. Họ có quyền đăng ký kết hôn với người khác giới và quan hệ hôn nhân này được pháp luật công nhận và bảo hộ. 

5. Những quốc gia nào trên thế giới đã công nhận hôn nhân đồng giới?

Tính đến năm 2023, đã có 34 quốc gia trên toàn thế giới công nhận và hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Trước khi chấp nhận hôn nhân đồng giới thì nhiều nước ban hành luật cho các cặp đồng tính đăng ký sống chung gọi là kết hợp dân sự. Điều luật này quy định quyền lợi và bổn phận cho các cặp đôi đồng giới. 

Lần đầu tiên trên thế giới cặp đôi đồng tính nam được tiến hành kết hôn dân sự tại Đan Mạch năm 1989 và Hà Lan vào năm 2001. Kể từ đó, 16 quốc gia châu Âu khác đã tiếp bước chấp thuận hôn nhân đồng giới là: Áo, Bỉ, Anh, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Iceland, Ireland, Luxembourg, Malta, Na Uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển và gần đây nhất là Thụy Sĩ.

Hiện nay, một số quốc gia/vùng lãnh thổ vẫn coi hành vi đồng tính luyến ái là phạm tội. Một số quốc gia khác không coi đồng giới là bất hợp pháp nhưng cũng không công nhận hôn nhân đồng tính.

Việc công nhận hôn nhân đồng giới hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa cộng đồng ủng hộ và không ủng hộ việc này. Hiện nay, Việt Nam tuy không công nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng không ban hành luật cấm. Việc thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới cần phải xem xét, cân nhắc, nhìn nhận trên nhiều khía cạnh khác nhau và cần thời gian. 

Theo dõi Phẩm Giá Luật để khám phá thêm nhiều kiến thức luật hay hơn.

Leave A Reply

Your email address will not be published.