TẢO HÔN VÀ HỆ LỤY CỦA VIỆC TẢO HÔN LÀ GÌ?

0
Rate this post

Tảo hôn vẫn là một trong những vấn nạn chưa bao giờ ngừng được quan tâm. Đây là hành vi bị cấm trong hôn nhân và gia đình khi nam nữ chưa đủ tuổi kết hôn. Dù xã hội phát triển, nhưng vấn đề này vẫn còn xảy ra. Vậy Tảo hôn là gì và hệ lụy của vấn đề này như thế nào?

1. Tảo hôn là gì?

Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định”.

Như vậy, tảo hôn là hành vi kết hôn khi người nam/nữ hoặc cả hai đối tượng chưa đủ điều kiện về độ tuổi. Nhà nước quy định, tảo hôn thuộc 1 trong 03 trường hợp sau:

  • Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.
  • Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
  • Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.

(Khoản 8 Điều 3, điểm a khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014)

Đây được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nó còn trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng đến mục đích hôn nhân và mang nhiều hậu quả tiêu cực.

2. Nguyên nhân của nạn tảo hôn

Nạn tảo hôn được diễn ra chủ yếu tại một số đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa:

  • Do những thủ tục lạc hậu của một số dân tộc ít người cần được xóa bỏ.
  • Trình độ dân trí còn chưa cao, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân vùng xa còn hạn chế.
  • Quy định pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm về luật tảo hôn còn ở mức thấp, chưa đủ răn đe và ngăn chặn kịp thời.
  • Công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục về kiến thức pháp luật còn chưa rộng rãi, sâu sắc.
  • Bên cạnh đó, còn đến từ chính quyền địa phương tại một số nơi thiếu sự kiên quyết, không can thiệp để chống lại các trường hợp tảo hôn.

3. Hệ lụy của việc tảo hôn

Tảo hôn là hành vi bị nghiêm cấm bởi pháp luật, bởi nó mang lại rất nhiều hệ lụy xấu. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân, sức khỏe, gia đình, xã hội.

  • Đối với những trường hợp kết hôn cận huyết thống dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp về sức khỏe, giống nòi. Đặc biệt là các bé gái dưới 15 tuổi, nguy cơ chết trong quá trình mang thai và sinh nở rất cao. Những em bé có mẹ dưới 18 tuổi thường có sức khỏe yếu, nhẹ cân, dị tật bẩm sinh và thậm chí là nguy cơ chết non so với những các em bé khác.
  • Tảo hôn khiến trẻ em phải đối mặt sớm với những gánh nặng trong cuộc sống gia đình. Các em không còn được sống thật với lứa tuổi của mình, thay vào đó là nỗi lo toan về hôn nhân gia đình.
  • Mất đi cơ hội học tập, phát triển bởi phải nghỉ học giữa chừng, thiếu kiến thức xã hội. Từ đó nó còn cản trở con đường phát triển tài năng, hoàn thiện nhân cách và trí tuệ, thể chất.
  • Tình trạng đổ vỡ hôn nhân, ly hôn ảnh hưởng đến trẻ em.
  • Gánh nặng về kinh tế gia đình cũng là một trong những hệ lụy của tảo hôn. Khi một số cặp vợ chồng không có việc làm, không tự chủ về tinh tế dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng gia tăng.
  • Ảnh hưởng đến xã hội khi chất lượng dân số không đảm bảo, tăng tỷ lệ người thiểu năng về thể chất, trí tuệ, người tàn tật, khuyết tật. Nạn tảo hôn tạo thành gánh nặng cho sự phát triển của xã hội.

4. Xử lý như nào khi tảo hôn

Đối với các chủ thể cố ý vi phạm, thực hiện tảo hôn, cưỡng ép việc kết hôn sớm sẽ phải chịu sự xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Đối với các hành vi tảo hôn sẽ có những hậu quả pháp lý như sau:

  • Bị hủy kết hôn vì trái với quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình
  • Bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mức phạt cụ thể quy định tại điều 58 trong Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành.

4.1 Mức phạt về Hành chính 

Điều 58, Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:

  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

4.2 Mức phạt về Hình sự

Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:

“Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.”

5. Ai có quyền yêu cầu Tòa Án hủy kết hôn trái pháp luật do tảo hôn

Người có quyền yêu cầu hủy hôn trái pháp luật:

  • Cha, mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người tảo hôn;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
  • Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
  • Hội liên hiệp phụ nữ.

6. Trường hợp nào tảo hôn vẫn được công nhận là vợ chồng

Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình:

“Trong trường hợp tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà cả hai bên kết hôn đã có đủ các điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này và hai bên yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân đó. Trong trường hợp này, quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm các bên đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này.”

Trường hợp tảo hôn vẫn sẽ được công nhận là vợ chồng là tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy kết hôn trái luật mà cả hai đã đủ tuổi (nam đã đủ 20 tuổi và nữ đã đủ 18 tuổi). Và có yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án sẽ công nhận quan hệ vợ chồng hợp pháp.

Lưu ý: Thời điểm quan hệ hôn nhân được xác lập là khi nam, nữ đủ điều kiện kết hôn.

Tảo hôn là hành vi trái pháp luật, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và cần được nghiêm cấm chặt chẽ. Trên đây là những giải đáp về vấn đề Tảo hôn. Theo dõi Dignity Law để khám phá thêm nhiều kiến thức luật hay hơn.

Tham khảo thêm: HÔN NHÂN ĐỒNG GIỚI TẠI VIỆT NAM ĐƯỢC THỪA NHẬN?

Leave A Reply

Your email address will not be published.