Mục lục bài viết
Pháp luật có cho phép vợ hoặc chồng ly hôn với người mất tích hay không? Đây là thắc mắc của nhiều người. Để ly hôn trong trường hợp này, trước tiên cần yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó mất tích. Sau đó, bạn mới có thể tiến hành thủ tục đơn phương ly hôn. Thủ tục ly hôn với người mất tích như thế nào? Dignity Law sẽ giải đáp thắc mắc này trong bài viết sau.
1. Những quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích
Theo quy định của pháp luật, một người có quyền yêu cầu ly hôn với người bị Tòa án tuyên bố mất tích. Cụ thể, khoản 2 điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rằng nếu vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn.
Việc xác định một người mất tích được thực hiện theo Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015: Khi một người biệt tích 02 năm liên tục, dù đã thông báo và tìm kiếm theo quy định, nhưng không có tin tức về việc họ còn sống hay đã chết, thì Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích theo yêu cầu của người có quyền lợi liên quan.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng về người đó thì tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo.
2. Điều kiện được phép ly hôn với người mất tích
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, để Tòa án giải quyết cho ly hôn khi một bên mất tích, cần đáp ứng các điều kiện sau:
Tuyên bố mất tích: Người bị yêu cầu ly hôn phải được Tòa án tuyên bố mất tích theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015. Điều này có nghĩa là người đó đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực, dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo và tìm kiếm.
Yêu cầu ly hôn từ vợ hoặc chồng: Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích phải nộp đơn yêu cầu ly hôn. Theo khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Tòa án sẽ giải quyết cho ly hôn khi có yêu cầu từ vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích.
3. Những thủ tục ly hôn với người mất tích cần có
3.1. Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố một người mất tích
- Chuẩn bị hồ sơ
Người yêu cầu tuyên bố mất tích phải gửi đơn kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh rằng người bị yêu cầu đã biệt tích 2 năm mà không có tin tức. Họ cũng phải chứng minh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm. Nếu đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm trước đó, cần gửi bản sao quyết định đó. Người có quyền lợi liên quan có thể yêu cầu Tòa án cấp huyện nơi người mất tích cư trú cuối cùng tuyên bố một người mất tích.
- Chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích
Trong vòng 20 ngày từ khi thụ lý đơn, Tòa án sẽ ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Thời hạn thông báo là 4 tháng từ ngày thông báo đầu tiên. Trong vòng 10 ngày sau khi kết thúc thời hạn thông báo, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.
- Đưa ra quyết định tuyên bố một người mất tích
Nếu đơn yêu cầu được chấp nhận, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố người đó mất tích. Nếu có yêu cầu quản lý tài sản của người mất tích và được chấp nhận, Tòa án sẽ đưa ra biện pháp quản lý tài sản trong quyết định này. Quyết định của Tòa án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định về hộ tịch.
3.2. Thủ tục ly hôn với người mất tích
Thủ tục ly hôn với người mất tích bao gồm 4 bước sau
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ ly hôn
- Đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu)
- Bản chính giấy chứng nhận kết hôn
- Quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án
- Bản sao CMND hoặc căn cước công dân của hai vợ chồng
- Bản sao sổ hộ khẩu của hai vợ chồng
- Bản sao giấy khai sinh của các con hoặc giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản (nếu có)
Bước 2: Nộp hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Tòa án cấp huyện nơi người mất tích cư trú cuối cùng.
Bước 3: Thụ lý hồ sơ
Sau khi nhận hồ sơ, nếu hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo nộp tiền tạm ứng án phí. Trường hợp này, Tòa án không tiến hành hòa giải mà đưa vụ án ra xét xử.
Bước 4: Ra quyết định ly hôn
Nếu đơn yêu cầu được chấp nhận, Tòa án sẽ ra quyết định ly hôn. Quyết định có hiệu lực sẽ được gửi cho cơ quan đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch.\
4. Tài sản của người bị tuyên bố mất tích được xử lý như thế nào?
Tại Điều 69 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
Thông qua bài viết này Dignity Law hy vọng đã cung cấp thêm những thông tin, kiến thức bổ về thủ tục ly hôn với người mất tích. Nếu bạn cần tư vấn luật hôn nhân đừng ngần ngại hãy liên hệ ngay với chúng tôi!