Nơi thực hiện công chứng di chúc khi tài sản ở hai tỉnh thành ?

0
Rate this post

Đối với những người dân có hai tài sản ở hai tỉnh thành khách nhau thì công chứng di chúc nên thực hiện ở tỉnh thành nào ? Cùng Dignity Law giải đáp tình huống thực tế từ khách hàng nhé !

Câu hỏi thực tế của người dân

Thưa luật sư, tôi có tài sản là 01 ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội; 01 mảnh đất vườn 200m2 trên địa bàn quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi lập di chúc để lại tài sản cho 2 con của mình, theo đó tài sản của tôi được chia đều cho 2 con. Vậy:

– Nếu tôi công chứng di chúc thì phải công chứng tại Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh?

– Nếu tôi không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc được hay không? Việc chứng thực sẽ thực hiện như thế nào?

Câu trả lời từ Dignity Law

1. Xác định nơi có thẩm quyền công chứng di chúc?

1.1 Ông X có thể thực hiện công chứng di chúc tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh

Điều 42 Luật công chứng 2014 quy định về phạm vi công chứng như sau:

“Công chứng viên của tổ chức hành, nghề công chứng chỉ được công chứng hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản”.

Có thể thấy, pháp luật quy định về thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch của công chứng viên. Theo đó, Luật công chứng hạn chế thẩm quyền công chứng về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng mà công chứng viên làm việc đặt trụ sở. Tuy nhiên, thẩm quyền công chứng hợp đồng, giao dịch theo địa hạt không áp dụng đối với những hợp đồng, giao dịch về bất động sản mà thuộc một trong các trường hợp: di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản và văn bản uỷ quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản.

Trong tình huống trên, ông X yêu cầu công chứng di chúc về bất động sản gồm 01 ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội và 01 mảnh đất vườn 200m2 trên địa bàn quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh. Bởi không áp dụng thẩm quyền theo địa hạt của công chứng viên đối với di chúc nên ông X có thể yêu cầu công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng tại Hà Nội hoặc Hồ Chí Minh công chứng di chúc.

1.2 Nếu ông X không công chứng thì có thể thực hiện chứng thực di chúc

Theo điểm e khoản 2 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền chứng thực di chúc. Do đó, nếu ông P không công chứng di chúc thì có thể thực hiện chứng thực di chúc tại Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Khoản 5 Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định về thẩm quyền và trách nhiệm chứng thực như sau: “Việc chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, chứng thực di chúc quy định tại Điều này không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực”. Do đó, ông P có thể yêu cầu chứng thực tại Uỷ ban nhân dân quận Thanh Xuân (Hà Nội) hoặc Uỷ ban nhân dân quận Thủ Đức (Hồ Chí Minh) – sau đây gọi tắt là Uỷ ban nhân dân quận.

1.3 Việc chứng thực sẽ thực hiện như sau

Thứ nhất, ông P nộp một bộ hồ sơ yêu cầu chứng thực, gồm các giấy tờ sau đây (căn cứ khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP):

  • Dự thảo di chúc.
  • Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của ông P.
  • Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà ông P được cấp đối 01 ngôi nhà với diện tích 100m2 trên địa bàn quận Thanh Xuân thành phố Hà Nội và 01 mảnh đất vườn 200m2 trên địa bàn quận Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ hai, người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu đầy đủ, tại thời điểm chứng thực người lập di chúc (ông P) tự nguyện, minh mẫn và nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực (căn cứ khoản 2 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Thứ ba, ông P phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực. Trường hợp ông P không kí được thì phải điểm chỉ; nếu ông P không đọc được, không nghe được, không ký, không điểm chỉ được thì phải có 02 người làm chứng. Người làm chứng có đủ năng lực hành vi dân sự và không có quyền, lợi ích hoặc nghĩa vụ liên quan đến giao dịch (căn cứ khoản 3 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).

Thứ tư, người thực hiện chứng thực ghi lời chứng theo mẫu quy định: ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của Uỷ ban nhân dân quận và ghi vào sổ chứng thực. Đối với di chúc có từ trang trở lên, thì từng trang phải được đánh số thứ tự, có chữ ký của ông P và người thực hiện chứng thực; số lượng trang và lời chứng được ghi tại trang cuối của di chúc. Trường hợp di chúc có từ 02 (hai) tờ trở lên thì phải đóng dấu giáp lai. (khoản 4 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP)

Thứ năm, trường hợp phải phiên dịch thì người phiên dịch có trách nhiệm dịch đầy đủ, chính xác nội dung của di chúc, nội dung lời chứng cho người yêu cầu chứng thực và ký vào từng trang di chúc với tư cách là người phiên dịch

2. Khái quát kiến thức về công chứng di chúc

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản, tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc do cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Công chứng là chứng nhận tính xác thực của hợp đồng được giao kết và các giấy tờ từ bản gốc được xác lập trong quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại và quan hệ xã hội khác.

Theo khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014 là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:

+ Tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch);

+ Tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch).

Mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Luật công chứng 2014

3. Đặc điểm của công chứng

– Công chứng là một hoạt động do công chứng viên thực hiện theo quy định của pháp luật.

– Người yêu cầu công chứng có thể là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc là cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu thực hiện công chứng các hợp đồng, các giao dịch hoặc các bản dịch.

– Nội dung của việc công chứng là để xác định tính hợp pháp của các hợp đồng, của các giao dịch dân sự. Xác nhận tính chính xác, tính hợp pháp và không trái với đạo đức xã hội của các bản dịch giấy tờ, của các văn bản.

– Có hai loại giao dịch được công chứng hiện nay là các loại hợp đồng giao dịch bắt buộc phải thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật và những hợp đồng giao dịch do tổ chức, do cá nhân tự nguyện yêu cầu việc công chứng.

4. Ý nghĩa của việc công chứng

Theo quy định của pháp luật, có một số loại hợp đồng, giao dịch bắt buộc phải công chứng. Trong các trường hợp các bên không thực hiện công chứng, hợp đồng đó được coi là vô hiệu và không có giá trị pháp lý. Thông thường, các giao dịch liên quan đến bất động sản như mua bán, tặng cho, thế chấp, góp vốn… đều phải công chứng.

Việc công chứng giúp các bên hạn chế được những rủi ro từ những hợp đồng, giao dịch dân sự, thương mại không được công chứng.

5. Các chủ thể tham gia công chứng

Xuất phát từ khái niệm công chứng, ta thấy hoạt động công chứng có sự tham gia của các chủ thể như:

+ Công chứng viên là người có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 8 Luật Công chứng 2014, được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm để hành nghề công chứng như: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt và có đủ các tiêu chuẩn sau đây thì được xem xét, bổ nhiệm công chứng viên:

– Có bằng cử nhân luật;

– Có thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên tại các cơ quan, tổ chức sau khi đã có bằng cử nhân luật;

– Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề công chứng quy định tại Điều 9 của Luật này hoặc hoàn thành khóa bồi dưỡng nghề công chứng quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này;

– Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng;

– Bảo đảm sức khỏe để hành nghề công chứng.

+ Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài

+ Tổ chức hành nghề công chứng bao gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng. Trong đó:

+ Phòng công chứng (do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng).

+ Văn phòng công chứng (do 02 công chứng viên hợp danh trở lên thành lập theo loại hình tổ chức của công ty hợp danh, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác).

+ Đối tượng được công chứng là Văn bản công chứng bao gồm hợp đồng, giao dịch, bản dịch

Các văn bản khi được công chứng có giá trị pháp lý kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu, có hiệu lực thi hành với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác. Những văn bản công chứng có giá trị chứng cứ; chứng minh và bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch. (Điều 5 Luật công chứng 2014)

Tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng phải là tiếng Việt.

Trên đây là toàn bộ những kiến thức về công chứng di chúc nói riêng và công chứng nói chung. Hy vọng những thông tin bổ ích này giúp bạn và gia đinh hiểu biết hơn về kiến thức luật pháp. Trân trọng./

Website được thực hiện bởi VSSCorp

Leave A Reply

Your email address will not be published.